Trong một giấc ngủ dài, người ta thường không giữ mãi một tư thế ngủ suốt đêm mà thường xoay chuyển mình nhiều lần. Trung bình, mỗi đêm người ta có thể xoay mình từ 20 – 45 lần. Tuy nhiên, mỗi người thường có một dáng ngủ chủ đạo. Có người thích nằm ngửa dang rộng hai tay hai chân, có người thích nằm cong mình như con tôm, và có người lại thích nằm sấp úp mặt vào gối. Mỗi tư thế ngủ đều có những ảnh hưởng khác nhau đến giấc ngủ của bạn. Vậy, tư thế ngủ nào là tốt nhất cho sức khỏe? Hãy để Vua Nệm giúp bạn khám phá ưu và nhược điểm của từng dáng ngủ, từ đó tìm ra tư thế ngủ tốt nhất cho bạn nhé!
1. Phân tích các tư thế ngủ
1.1 Nằm ngửa
Mặc dù chỉ 14% số người trên thế giới nằm ngửa khi ngủ, đây vẫn được xem là tư thế ngủ tốt nhất. Nhiều người nằm ngửa thường hay xoay mình nằm nghiêng hoặc trở mình nằm sấp, đây được gọi là tư thế ngủ kết hợp. Những người đã trải qua các cuộc phẫu thuật chỉnh hình thường được khuyên nên nằm với tư thế ngủ ngửa.
Ưu điểm:
- Chỉnh hình khung xương: Nằm ngửa giúp đầu, cổ và cột sống được giữ thẳng hàng, từ đó duy trì tư thế tự nhiên của cơ thể.
- Cảm giác thoải mái: Trọng lượng cơ thể được phân bố đều, giảm áp lực lên các điểm tiếp xúc, giúp giảm đau liên quan đến xương khớp.
- Làm đẹp da: Nằm ngửa giúp ngăn ngừa các vết hằn trên mặt do gối, giảm tình trạng chảy xệ da mặt.
Nhược điểm:
- Gây trào ngược dạ dày thực quản: Vị trí của dạ dày và thực quản gần như ngang bằng nhau. Để giảm bớt tình trạng này, bạn nên kê đầu trên một chiếc gối cao.
- Gây ngáy và ngưng thở khi ngủ: Lưỡi có thể rơi vào cổ họng hoặc các cơ vòm miệng sụp xuống gây tắc đường thở. Để cải thiện vấn đề này, nâng cao phần đầu và cổ bằng một chiếc gối cao.
- Không thoải mái: Nhiều người cho rằng tư thế này không thực sự thoải mái và khó duy trì trong thời gian dài.
- Không tốt cho bà bầu: Phụ nữ trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ khi nằm ngửa hay bị giảm lưu thông máu. Vì vậy, phụ nữ có thai thường được khuyến cáo nên nằm nghiêng sang một bên.
Mẹo hay cho người nằm ngửa:
- Nâng cao đầu so với cơ thể bằng một chiếc gối. Chọn gối được thiết kế riêng cho người ngủ ngửa hoặc ngủ với nhiều tư thế kết hợp.
- Đặt một chiếc gối dưới đầu gối để giảm áp lực đè lên hông và cột sống.
- Nếu bạn quen nằm nghiêng và đang tập nằm ngửa, hãy kiên trì. Đặt gối ở hai bên khi bạn nằm ngửa để ngăn bạn xoay mình sang hai bên.
1.2 Nằm nghiêng
Nằm nghiêng là tư thế phổ biến được nhiều người yêu thích. Người nằm nghiêng có thể xoay mình sang cả hai bên, hơi cong mình, duỗi một hoặc cả hai chân. 41% mọi người ngủ hay cong mình theo kiểu thai nhi, là tư thế ngủ phổ biến nhất trên thế giới. Nằm nghiêng bên trái không chỉ tốt cho phụ nữ mang thai, mà còn giúp chữa trị một số loại bệnh.
Ưu điểm:
- Tốt cho sức khỏe não bộ: Nằm nghiêng giúp cơ thể loại bỏ các protein độc hại ra khỏi não, giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, bệnh Parkinson và các bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
- Tốt cho tiêu hóa: Nằm nghiêng về bên trái giúp vận chuyển chất thải qua đại tràng dễ dàng, phù hợp với những ai bị hội chứng ruột kích thích.
- Ngăn trào ngược axit: Nằm nghiêng về bên trái giúp ngăn axit dạ dày chảy vào thực quản.
- Giảm ngáy và ngưng thở khi ngủ: Nằm nghiêng khiến lưỡi và vòm họng không rơi vào cổ họng gây ngáy và khó ngủ.
- Tốt cho phụ nữ có thai: Nằm nghiêng bên trái giúp tử cung không tạo áp lực lên các cơ quan khác, tăng lưu thông máu và giúp giấc ngủ sâu hơn.
Nhược điểm:
- Da nhăn nheo: Áp mặt vào gối trong thời gian dài có thể khiến da có nhiều vết hằn và trở nên nhăn nheo.
- Đau mỏi vai, hông, cánh tay: Trọng lực cơ thể đổ dồn vào các điểm chịu lực, dẫn đến đau nhức vai, hông, cánh tay.
- Đau hàm: Áp lực đè nén lên xương hàm, gây đau nhức.
Mẹo hay cho người ngủ nghiêng:
- Chuẩn bị gối cho người nằm nghiêng để điều chỉnh cổ, cột sống thẳng hàng. Gối chuyên dụng cũng giúp da mặt không bị hằn.
- Chọn nệm cho người nằm nghiêng để nâng đỡ cơ thể tối đa và giảm áp lực lên vai, hông.
- Không gối tay lên đầu để tránh chèn ép dây thần kinh và gây đau tay.
- Khi nằm nghiêng theo tư thế thai nhi, đừng uốn cong lưng hoặc cổ quá nhiều để tránh ảnh hưởng đến xương sống.
1.3 Nằm sấp
Chỉ có 16% mọi người có tư thế nằm sấp khi ngủ. Nằm sấp gây áp lực lên cổ và cột sống, có lẽ là tư thế kém lành mạnh nhất trong tất cả các tư thế.
Ưu điểm:
- Thoải mái: Nhiều người cảm thấy tư thế nằm sấp thoải mái và dễ ngủ hơn.
- Hô hấp: Nằm sấp khiến cổ họng và lưỡi không làm tắc đường thở, giảm chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ.
Nhược điểm:
- Làm căng cột sống: Nằm sấp khiến đường cong tự nhiên của xương sống bị mất đi, gây đau nhức cơ và khớp.
- Tạo vết hằn và nếp nhăn trên mặt: Úp mặt vào gối tăng cường các vết nhăn trên da và có thể khiến da chảy xệ nhanh.
- Tạo áp lực: Nằm sấp gây áp lực lên các dây thần kinh và cơ bắp, làm cơ thể đau nhức, khó chịu.
- Gây đau mỏi hông: Áp lực lên vùng dưới lưng và gây căng cơ, đau nhức.
Mẹo hay cho người nằm sấp:
- Sử dụng gối mỏng hoặc không dùng gối khi nằm sấp. Đặt gối dưới phần xương chậu để giảm bớt áp lực cho lưng dưới và căn chỉnh cột sống.
- Sử dụng nệm có độ cứng cao để vai, lưng, hông thẳng hàng. Nệm mềm khiến cơ thể bị lún xuống, làm cong ngược cột sống.
2. Cách lựa chọn nệm cho từng tư thế ngủ
Lựa chọn nệm phù hợp cho từng dáng ngủ rất quan trọng. Một tấm nệm tốt sẽ giúp giải quyết các vấn đề của các tư thế nằm.
2.1 Nệm cho người ngủ ngửa
Người ngủ ngửa cảm thấy thoải mái với nhiều độ cứng khác nhau của nệm. Tuy nhiên, nệm quá cứng hoặc quá mềm đều không tốt. Nệm lý tưởng cho người nằm ngửa nên có độ cứng từ 4 đến 7 trên thang 10 (10 là cứng nhất).
2.2 Nệm cho người nằm nghiêng
Khi bạn ngủ nghiêng, vai và hông chịu nhiều áp lực. Nệm quá cứng khiến các bộ phận này đau nhức. Nệm có độ cứng từ 3-6 trên thang 10 (10 là mức cứng nhất) phù hợp cho người nằm nghiêng. Nếu cảm thấy nóng nực, bạn có thể chọn nệm có lớp tiện nghi như cool gel hoặc khả năng thoáng khí.
2.3 Nệm cho người nằm sấp
Phần lớn áp lực dồn lên xương chậu và hông. Nệm mềm làm cột sống cong vào trong khi ngủ. Người nằm sấp nên chọn nệm cứng, giữ xương chậu, hông và cột sống thẳng hàng. Độ cứng của nệm cho người nằm sấp dao động từ 5 đến 7.
3. Cách chọn gối cho từng tư thế ngủ
3.1 Gối cho người nằm ngửa
Người nằm ngửa nên chọn gối cao từ 10 – 15 cm để đảm bảo phần đầu, cổ lưng được nâng đỡ và cột sống luôn thẳng hàng. Kê thêm gối dưới đầu gối để cột sống được nâng đỡ tốt hơn.
3.2 Gối cho người nằm nghiêng
Người nằm nghiêng nên mua gối memory foam có độ dày vừa khớp với phần đầu, cổ, vai. Toàn bộ phần trên cơ thể sẽ được nâng đỡ trọn vẹn. Tránh mua gối quá dày, làm đốt sống cổ bị cong vẹo.
3.3 Gối cho người nằm sấp
Người nằm sấp nên mua gối ruột mỏng để bảo vệ cột sống không bị cong vẹo. Chọn gối có độ thông thoáng cao và tản nhiệt tốt để tránh nóng nực khi ngủ.
4. Kết luận
Không có tư thế ngủ nào là tốt nhất, chỉ có tư thế phù hợp nhất với bản thân. Việc một tư thế ngủ phù hợp hay không phụ thuộc vào sức khỏe, bệnh lý và sở thích của bạn. Mỗi tư thế đều có nhược điểm riêng, nhưng những nhược điểm này chưa chắc đúng với tất cả mọi người. Ngoài ra, tìm được nệm và gối phù hợp cũng giúp giảm nhược điểm của các tư thế nằm.
Giấc ngủ chiếm 1/3 cuộc đời của mỗi người. Vì vậy, việc tìm được tư thế ngủ phù hợp cho sức khỏe quan trọng hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nếu tư thế hiện tại gây ra các vấn đề sức khỏe, hãy tập thay đổi dần thói quen ngủ của mình. Nếu không thể thay đổi tư thế ngủ, hãy tìm đến sự trợ giúp của gối và nệm để đảm bảo sức khỏe nhé!